Từ trái: Nguyễn Tường Thược, Lưu Anh Dũng, Phạm Đức Vượng, Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Ngọc Tuấn.
Garden Grove (Bình Sa)- - Sáng Thứ Bảy, 3 tháng 7 năm 2010, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, một ngày hội ngộ với nỗi mừng vui lẫn lộn của những người cựu tù thuộc các trại tập trung của công sản ở Yên Bái, Phong Quang, Vĩnh Quang. Tất cả qui tụ về đây để cùng nhau ôn lại những kỷ để cùng nhau nhớ về những người bạn tù vĩnh viễn nằm xuống không nhìn thấy ánh sáng tự do, Những người vợ tù gặp nhau để nhớ lại những ngày tháng cơ cực, lao nhọc bên ngoài, tay bế tay bồng, vừa làm cha, làm mẹ, chạy gạo nuôi con, nuôi ba mẹ già yếu hai bên, nội, ngoại.
Đây chính là số phận của những cựu tù nhân chính trị các trại Long Giao, Yên Bái, Phong Quang, Vĩnh Quang A, B, Tân Lập, Z 30 D… và vợ con sau biến cố 1975, và cũng là số phận chung của vợ con và những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những cựu tù chính trị các trại tù khác tại Việt Nam sau năm 1975. Các con, cháu của cựu tù cũng được ba mẹ đưa đi cùng, nhiều bạn trẻ nhìn ngắm thật lâu bên những hình ảnh triển lãm ngay góc trang trọng trong nhà hàng. Ban tổ chức triển lãm vài hình ảnh các trại tù, những chứng tích những ngày tù đen tối của những tháng năm khắc nghiệt đầy hận thù của chính quyền CS đối với các anh. Người nghệ nhân bất đắc dĩ, cựu đại úy Lê Trị và nay quen thuộc với cộng đồng, trong vai trò nhiếp ảnh gia, đã đem đến góc triễn lãm, cây đàn violon do ông tự tay làm trong thời gian ở tù, và bức hình chụp cây violon của ông chụp, cùng những câu thơ do ông sáng tác.
Người nghệ nhân bất đắc dĩ này thuộc đơn vị tình báo 101, đã trải qua 13 năm các trại Yên Bái, Hoàng Liên Sơn…,
Ông tâm sự: "Thời gian trong tù, thấy anh em nghệ sĩ thiếu phương tiện âm nhạc. Nhiều người cầm khúc củi, tưởng tượng là cây đàn. Lấy thùng xăng làm trống. Rất tội nghiệp. Tôi là giáo sư Toán, Lý Hóa, chưa hề biết nghề mộc là gì, nhưng đi tù, tôi ghi danh học mộc. Tác phẩm đầu tiên là cây đàn guitare, vật liệu là gỗ trong trại tù, với dây thắng xe đạp quấn lại, nhưng âm thanh cũng tương đối giống, thế là anh em yêu cầu, khuyến khích. Tôi đã làm, dần dần được 100 cây đàn guitare và 15 cây đàn violon."
Cũng chỉ vì làm đàn tặng anh em tù mà ông đã bị nhốt 15 ngày trong nhà kỷ luật và bị đập 3 nhát búa vào người, để lại vết bầm tím trên cơ thể hàng tháng trời, đi đại tiện ra máu. Thế nhưng, ông vẫn lén lút làm đàn.
"Có những anh từ Pháp qua, từ khắp các tiểu bang trên đất Mỹ này về. Ban đầu ghi danh khoảng 150 người. Nhưng sau đóù nhiều anh em đọc thông báo nên họ đến đông hơn dự định."
Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, cựu tù trại Vĩnh Quang A, trại Nam Hà, chia sẻ: "Ở ngoài, có thể chúng tôi khác tôn giáo với nhau, khác đảng phái chính trị. Nhưng trong trại, chúng tôi gắn bó với nhau, vì đều là tù nhân cộng sản. Gặp lại nhau, nhắc chúng tôi nhớ những ngày khốn khó, chia những muỗng muối, cơm sạn, sắn lát cùng nhau… rất đớn đau mà đầy nghĩa tình".
Bác sĩ Quân Y Phạm Đức Vượng, cựu tù phải trải qua 7 năm các trại Long Giao, Yên Bái, Thác Bà, Vĩnh Quang… thành viên trong ban tổ chức, đến từ San Jose, bồi hồi cho biết:
"Chúng tôi từ trong Nam bị đi tù ngoài Bắc, trong những điều kiện rất khắc nghiệt, rừng thiêng, nước độc. Với sức khỏe không nhiều, mà làm việc nặng nhọc. Bởi thế, một số anh em đã bỏ mạng nơi núi rừng Tây Bắc, tại Thác Bà là nhiều nhất. Trong chuyên môn của tôi, tôi giúp được một số anh em, nhưng phương tiện không có, đành nhìn những anh em bị kiết lỵ, suy dinh dưỡng, từ từ ra đi. Nhiều người trước khi nhắm mắt, họ chỉ muốn xin một cục kẹo, muỗng đường thôi, mà không có. Đó là những kỷ niệm đau buồn nhất. Chúng tôi cũng muốn cám ơn những người giúp chúng tôi tồn tại đến hôm nay, chính là những bà vợ của chúng tôi. Còn là cơ hội cho các bà được dịp gặp nhau…"
Tâm sự những người vợ tù "cải tạo"
Ca sĩ Lệ Hằng cho biết chồng trước của chị là thiếu tá Trịnh Quang Minh, sĩ quan điều hành huấn luyện tình báo, văn phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Đây là chức vụ CS rất ghét, họ đã đến tận nhà nói rằng, anh nợ máu, anh phải trả bằng máu. Anh đã bị bắt đi tù, từ 1975 đến 1985 mới được thả. Chị nghẹn ngào nhắc lại chuyến thăm chồng đầu tiên năm 1979:
"Lệ Hằng và con trai lúc đó được 3 tuổi, đi xe lửa, 3 ngày 3 đêm. Sau đó, từ Hà Nội đi vào Vĩnh Yên, Vĩnh Phú, Lệ Hằng đã bồng cháu, cõng cháu trên lưng. Vừa đi vừa lần chuỗi đọc kinh cầu nguyện, xin ơn trên phù hộ.
Lội bộ từ Vĩnh Phú từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng, vào đến trại, lội qua con suối. Té lên té xuống, vùi dập trong suốt chuyến đi.
Vào đến nơi, công an đưa anh ra, hay tay bị xiềng xích, mặc quần áo tù, chỉ được gặp có nửa tiếng đồng hồ. Chỉ có khóc không, đã hết nửa tiếng rồi.
"Tôi đã quỳ xuống, xin cán bộ cho thăm thêm, nhưng không được."
Chị đã bật khóc, ký ức đớn đau thưở xưa lại trở về, nghẹn ngào không nói nên lời. Lặng đi để nén nỗi xúc động, chị nói tiếp:
"Năm 1985, anh được thả, gia đình đã lo cho anh vượt biển sang đây đoàn tụ. Tôi có thêm 2 con với anh khi anh qua bên này. Đến năm 1990, anh mang bệnh ung thư phổi, đã qua đời sau 6 tháng phát bệnh."
"May mắn anh đã qua được bến bờ tự do, anh đã mất trên tay tôi, và tôi đã lo cho anh đến nơi đến chốn, đó là điều an ủi hạnh phúc. Chứ nếu chẳng may anh mất trong tù, mất xác, khi có được, chỉ là nắm xương khô. Đó là điều rất đau khổ. Đã có những chị bạn trong hoàn cảnh đó, rất thương tâm."
Sau hơn 2 giờ cùng nhau chụp hình, gặp gỡ từng nhóm bạn tù hàn huyên, thăm hỏi, nhìn nhận ra nhau. Giờ khai mạc buổi họp mặt được thực hiện với những nghi thức trang trọng, lần lượt 5 thành viên trong ban tổ chức, gồm anh Lưu Anh Dũng, Phạm Đức Vượng, Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Tường Thược, Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ nỗi niềm của mình trong ngày họp mặt, và đã cùng chia trách nhiệm với nhau, để có buổi họp mặt hôm nay.
Nhà báo Nguyên Huy (báo Người Việt) được ban tổ chức mời lên góp vài lời. Ông chia sẻ: "Tôi cũng là cựu tù từ các trại Tân Lập, Vĩnh Phú… 13 năm. Tôi có một mong mỏi, sẽ tổ chức trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa, buổi gặp mặt ngay tại thủ đô của người Việt tị nạn. Chúng ta có thể thuê những công viên ở lại qua 1 đêm, hai đêm, cùng nhau đốt lửa trại.
"Anh em khắp nơi trên thế giới về tổ chức những khu vực riêng, diễn lại những cảnh khốn khổ của mình trong trại, trải qua ngục tù như thế nào, và đưa con, cháu mình cùng tham gia, để các cháu nên biết, để người Hoa Kỳ biết. Sau đó, anh em chúng ta cùng làm bản lên tiếng tố cáo tội ác của cộng sản. Đây là ý nghĩa sơ khởi của tôi…."
Lời đề nghị của nhà báo Nguyên Huy đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng của mọi người.
Buổi tiệc được bắt đầu, với chương trình văn nghệ qua tiếng hát của các chị vợ tù và các nghệ sĩ thân hữu giúp vui. Mọi người cùng thưởng thức cùng hàn huyên tâm sự và hẹn gặp nhau cho năm tới với dự tính qui tụ đông đủ hơn.
No comments:
Post a Comment